"Đây là bước khởi đầu để quản lý toàn diện sức khỏe từng người dân"
Khẳng định sự kiện khai trương hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia hôm nay, 24/3 có ý nghĩa lịch sử, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hệ thống này là bước khởi đầu cho việc triển khai theo dõi, quản lý toàn diện sức khỏe của từng người dân.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ khai trương Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia chiều ngày 24/3 tại Hà Nội. |
Hệ thống giúp tiết kiệm hơn 100 tỷ đồng/năm
Chiều nay, ngày 24/3/2017, tại Trung tâm hội nghị quốc tế, Bộ Y tế đã phối hợp với Tập đoàn Viettel tổ chức khai trương và tuyên bố sẽ chính thức đưa vào sử dụng Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia từ ngày 1/6/2017.
Như vậy, sau khi thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng và TP.HCM, bắt đầu từ 1/6/2017, 17.000 cơ sở tiêm chủng tại 63 tỉnh, thành phố sẽ sử dụng Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia do Viettel xây dựng cho Bộ Y tế để quản lý hoạt động tiêm chủng của người dân.
Đồng thời, hệ thống cũng loại bỏ hoàn toàn việc quản lý trên giấy từ đó tiết kiệm thời gian và giúp tiết kiệm hơn 100 tỷ mỗi năm cho xã hội. Đơn cử như tại Hà Nội, theo Ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, việc áp dụng hệ thống giúp Hà Nội tiết kiệm được hơn 13.000 ngày công và hơn 2 tỷ đồng/năm.Hệ thống này sẽ giúp ngành y tế quản lý tiêm chủng trọn đời cho mọi người dân từ khi sinh ra theo mã số cá nhân (ID), từ đó tăng sức đề kháng, chống lại một số bệnh nguy hiểm, tránh dược những nguy cơ nhiễm bệnh, nguy cơ tàn tật nhờ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Người dân có thể theo dõi lịch tiêm chủng, tiền sử tiêm chủng của mình và các thành viên trong gia đình thông qua ứng dụng sổ tiêm chủng điện tử. Thông qua hệ thống, người dân cũng có thể chủ động đăng ký lịch tiêm trực tuyến cũng như tìm kiếm cơ sở tiêm gần nhất. Các kiến thức về an toàn tiêm chủng cũng được ngành Y tế cập nhật đầy đủ và thường xuyên trên hệ thống.
Theo đại diện lãnh đạo Viettel, hiện tại tập đoàn này đang tiếp tục phối hợp cùng Bộ Y tế triển khai các cấu phần còn lại của hoạt động y tế dự phòng, hoàn thiện các danh mục sản phẩm cho ngành y tế, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong hệ sinh thái tổng thể các ứng dụng quản lý cho cơ quan y tế các cấp: từ quản lý khám chữa bệnh, giám định bảo hiểm y tế, quản lý tiêm chủng, quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm… cho tới các giải pháp hành chính công, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
“Thời gian tới, Viettel sẽ tiếp tục nâng cấp, cải thiện và mở rộng về tính năng cũng như quy mô triển khai, hướng tới phục vụ người dân tốt hơn, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu về y tế - dân số từ nay đến năm 2020”, đại diện lãnh đạo Viettel cho biết.
“Tôi đã đi rất nhiều nước trên thế giới và tôi có nhận thức sâu sắc rằng nước nào có đầu tư cao cho tiêm chủng là một nước đầu tư cao cho sức khỏe và cho tương lai. Nước nào càng nhiều cho tiềm chủng cũng là sự thể hiện cam kết cao của nước đó trong việc đầu tư cho sức khỏe nhân dân", Takeshi Kasai nhấn mạnh.Ông Takeshi Kasai - Trưởng đại diện tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, tiêm chủng luôn là chương trình hiệu quả nhất trong các chương trình chăm sóc sức khỏe và sự đầu tư cho tương lai.
Khắc phục cho được tình trạng người dân khi có bệnh mới đi khám
Cùng với việc nhấn mạnh hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia là tâm huyết của rất nhiều cán bộ ngành y tế, đặc biệt là những người làm y tế dự phòng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cảm ơn các cơ quan, tổ chức quốc tế đã luôn dành cho y tế Việt Nam sự hỗ trợ. “Nếu thiếu sự hỗ trợ của các bạn, chắc chắn chúng tôi không thể đạt được kết quả ngày hôm nay”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Trả lời cho câu hỏi của ông Takeshi Kasai về xuất phát điểm của ý tưởng xây dựng hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia, Phó Thủ tướng chia sẻ: “Chúng tôi biết rằng Việt Nam nói chung đang phát triển và vẫn còn nhiều lĩnh vực phát triển chậm. Nhưng tương lai của đất nước ở phía trước. Thế nên dù rằng còn rất khó khăn song đã quyết tâm làm gì thì chúng tôi sẽ làm cho bằng được… Chúng tôi muốn rằng mọi trẻ em Việt Nam đều được chăm sóc toàn diện, trước hết là về sức khỏe từ khi còn nằm trong bụng mẹ, cho đến khi ra đời và cả sau này khi đã lớn lên”.
Phó Thủ tướng khẳng định: “Một trong những thế mạnh của Việt Nam là mặc dù còn nghèo nhưng chúng tôi có một sự đồng thuận rất cao trên phạm vi cả nước, cái gì tốt cho dân thì cùng nhau bắt tay làm. Có rất nhiều việc ở Việt Nam khi đã đồng thuận thì được làm rất nhanh”.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia được xây dựng với kinh nghiệm của rất nhiều cán bộ trong ngành y tế ở tất cả các cấp, cùng sự giúp đỡ của nhiều chuyên gia, trong đó có các chuyên gia của WHO. “Trước sự kiện khai trương hôm nay, hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia đã được vận hành thử. Các anh em xây dựng cam kết hệ thống đã sẵn sàng để nhân rộng ra toàn quốc, tức là trên 17.000 điểm tiêm chủng ở Việt Nam trong đó có 12.000 trạm y tế cơ sở”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cho rằng, đây không đơn thuần là một hệ thống CNTT, một phần mềm mà là cả hệ thống tiêm chủng kể từ hôm nay sẽ phải có những bước chuyển rất mạnh mẽ và rõ nét về chất lượng. “Thay mặt Chính phủ, một mặt tôi giao nhiệm vụ cho ngành Y tế phải làm thật tốt việc này, mặt khác đây cũng là cam kết của Chính phủ đối với toàn dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận về sự ngập ngừng của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu trong clip giới thiệu về hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia khi đánh giá sự kiện khai trương hệ thống này có ý nghĩa lịch sử, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: “Tôi hiểu rằng nếu hệ thống này chỉ áp dụng riêng cho tiêm chủng, chỉ sử dụng riêng cho lĩnh vực y tế dự phòng thì sự ngập ngừng khi nói từ “lịch sử” của đồng chí Cục trưởng là đúng. Tuy nhiên, hệ thống không chỉ cho tiêm chủng mở rộng. Hệ thống bắt đầu bằng từ tiêm chủng đối với trẻ em, đã được chuẩn bị và sẵn sàng triển khai trên toàn bộ các trạm y tế cơ sở tại Việt Nam gồm các hợp phần về quản lý tiêm chủng kèm thêm các hợp phần về theo dõi sức khỏe của nhân dân”.
Phó Thủ tướng kỳ vọng khi hệ thống được triển khai ứng dụng ở tất cả các trạm y tế, sẽ khắc phục được tình trạng người dân Việt Nam mỗi khi có bệnh mới đi khám và mỗi lần khám lại có một quyển sổ y bạ, không theo dõi được lịch sử bệnh tật của mình. Đồng thời, cũng khắc phục được việc mà toàn bộ hệ thống y tế Việt Nam, trong đó có y tế cơ sở chưa làm được đó là theo dõi và quản lý tình hình sức khỏe của từng người dân trên địa bàn.
Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo toàn bộ những thông tin liên quan đến cá nhân người dân và những gì liên quan đến sức khỏe, bệnh tật của người dân đang nằm trong cơ sở dữ liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ được chuyển giao, chia sẻ để Bộ Y tế tự động cập nhật vào hệ thống hồ sơ này cho toàn dân.
“Đây là việc làm rất lớn, phải bắt đầu ngay và phải rất kiên trì trong nhiều năm. Bởi vì việc cập nhật tình trạng sức khỏe, bệnh tật của người dân mỗi khi đến khám bệnh, đến tư vấn sức khỏe tại trạm y tế và các bệnh viện là quá trình liên tục, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn. Chúng ta hãy bắt đầu từ nơi khó nhất, đó là từ y tế cơ sở”, Phó Thủ tướng cho hay.
Phó Thủ tướng đề nghị ngành y tế và các địa phương tích cực chỉ đạo để hệ thống này được triển khai liên tục không chỉ ở hệ thống y tế cơ sở mà ở tất cả các hệ thống y tế. Các công ty, các nhà sản xuất hệ thống phần mềm được đề nghị tiếp tục tham gia vào công việc này bởi lẽ để quản lý sức khỏe của người dân cần có rất nhiều ứng dụng khác nhau, sẽ phải tiếp tục được phát triển và ứng dụng.
MT- ictnews.vn