X

Công ty Cổ phần Công nghệ HiNet Việt Nam

Hỗ trợ trực tuyến!

Cơ quan Nhà nước nên thuê những dịch vụ CNTT nào?

Bộ TT&TT đưa ra 2 phương án để lựa chọn Danh mục dịch vụ CNTT khuyến khích cơ quan Nhà nước thuê sử dụng, đang lấy ý kiến đóng góp của cộng đồng để kịp trình Thủ tướng Chính phủ cuối tháng 7/2014.

Theo dự thảo Dự thảo Quy chế thuê dịch vụ CNTT trong các cơ quan Nhà nước, Bộ TT&TT đề xuất 2 phương án lựa chọn Danh mục dịch vụ CNTT khuyến khích cơ quan Nhà nước thuê sử dụng.

Phương án 1, phân theo nhóm dịch vụ CNTT. Danh mục sẽ có 13 nhóm dịch vụ CNTT khuyến khích cơ quan Nhà nước thuê sử dụng gồm: Dịch vụ điều tra, khảo sát, nghiên cứu thị trường về CNTT; Dịch vụ tư vấn về CNTT; Dịch vụ tích hợp hệ thống, quản lý ứng dụng; Dịch vụ thiết kế, duy trì trang, cổng thông tin điện tử; Dịch vụ lắp đặt, nâng cấp, bảo hành, bảo trì về CNTT; Dịch vụ cập nhật, tìm kiếm, lưu trữ, xử lý dữ liệu và khai thác cơ sở dữ liệu; Dịch vụ cho thuê, chia sẻ tài nguyên CNTT; Dịch vụ đào tạo CNTT; Dịch vụ an toàn thông tin; Dịch vụ phần mềm; Dịch vụ nội dung số; Dịch vụ chăm sóc khách hàng; Dịch vụ gia công quy trình kinh doanh bằng CNTT.

Phương án 2, phân theo hoạt động ứng dụng CNTT. Danh mục sẽ có 7 nhóm gồm: Thuê đường truyền kết nối mạng, thuê chỗ (hosting) đặt máy chủ hoặc trang, cổng thông tin điện tử; Thuê, sử dụng các trang thiết bị CNTT bao gồm máy chủ, máy trạm, thiết bị ngoại vi, thiết bị kết nối mạng, hệ thống mạng máy tính và các trang thiết bị khác; Cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT, các hệ thống thông tin, các phần cứng, phần mềm, trang thiết bị CNTT phục vụ quản lý, điều hành, tác nghiệp của cơ quan, tổ chức Nhà nước như hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp, hệ thống quản lý thông tin tổng thể, hệ thống họp, hội nghị trực tuyến, hệ thống thư điện tử, hệ thống xác thực người dùng, chứng thực điện tử và chữ ký số và các hệ thống ứng dụng khác; Các hoạt động ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp như các hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến, các hệ thống CNTT tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông, các hệ thống tiếp nhận ý kiến, đối thoại, hỏi đáp trực tuyến và các hệ thống ứng dụng cung cấp dịch vụ khác; Các hoạt động bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống thông tin, phần cứng, phần mềm, mạng máy tính, các hoạt động phòng chống virus, đảm bảo an toàn thông tin; Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ, hoạt động hướng dẫn sử dụng, chuyển giao về CNTT; Các hoạt động ứng dụng CNTT khác.

Dự thảo đang được lấy ý kiến đóng góp của cộng đồng để kịp hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đúng ngày 30/7/2014 theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Cũng theo dự thảo Quy chế thuê dịch vụ CNTT trong các cơ quan Nhà nước, Nhà nước sẽ quản lý toàn bộ hoạt động thuê dịch vụ CNTT dùng vốn ngân sách Nhà nước và vốn có nguồn gốc ngân sách Nhà nước. Đối với hoạt động thuê dịch vụ CNTT có mức vốn từ 7 tỷ đồng trở lên phải thực hiện các thủ tục lập dự án thuê dịch vụ CNTT. Còn với hoạt động thuê dịch vụ CNTT có mức vốn dưới 7 tỷ đồng thì thực hiện các thủ tục lập kế hoạch thuê dịch vụ CNTT.

Bộ trưởng Bộ TT&TT xây dựng, ban hành tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu cho từng loại dịch vụ CNTT phải làm căn cứ đánh giá hồ sơ dự thầu cung cấp dịch vụ CNTT, tiêu chuẩn lựa chọn nhà cung cấp đối với dịch vụ CNTT thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương, và mẫu hồ sơ đấu thầu dịch vụ CNTT.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu dịch vụ CNTT do Bộ TT&TT ban hành để cụ thể hoá tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, tiêu chuẩn lựa chọn nhà cung cấp đối với dịch vụ CNTT thuộc phạm vi nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương cho phù hợp với điều kiện cụ thể.