X

Công ty Cổ phần Công nghệ HiNet Việt Nam

Online Support!

Chính thức ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam

Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 1.0 sẽ là căn cứ để các Bộ, tỉnh xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử chi tiết của mình, tiết kiệm thời gian và nguồn lực, đồng thời đảm bảo thống nhất, đồng bộ giữa các Bộ, tỉnh.

Ngày 19/5/2015, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đã chủ trì phiên họp Hội đồng Giám đốc CNTT (CIO) của cơ quan nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực miền Bắc. Tại phiên họp này, Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử (CPĐT) Việt Nam phiên bản 1.0 vừa được Bộ TT&TT ban hành hồi cuối tháng 4/2015, đã chính thức được giới thiệu tới đại diện của 28 Sở TT&TT các tỉnh, thành phố miền Bắc: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Cao Bằng, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Giang, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Nghệ An…

Được Bộ TT&TT xây dựng và ban hành nhằm thúc đẩy phát triển CPĐT Việt Nam trong giai đoạn mới, Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam phiên bản 1.0 xác định và thống nhất Sơ đồ tổng thể Khung Kiến trúc CPĐT của quốc gia. Đây là căn cứ để cơ quan nhà nước các cấp xác định trách nhiệm, vị trí của mình trong sự phát triển CPĐT đồng bộ của quốc gia.

Bên cạnh đó, Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam phiên bản 1.0 còn làm căn cứ để các Bộ, cơ quang ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Kiến trúc CPĐT chi tiết của mình, tiết kiệm thời gian và nguồn lực, đồng thời đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ.

Trên cơ sở Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam và Kiến trúc CPĐT chi tiết của các Bộ/ tỉnh, các cơ quan nhà nước có thể xây dựng, triển khai Kế hoạch ứng dụng CNTT theo lộ trình và trách nhiệm triển khai ở các cấp, bảo đảm sự kết nối, liên thông, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, cơ sở hạ tầng thông tin.

Ngoài ra, các tổ chức khác cũng có thể tham khảo Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam để bảo đảm kết nối, liên thông, triển khai đồng bộ các hệ thống thông tin cùng với các cơ quan nhà nước trong phát triển CPĐT.

Cụ thể, theo Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam phiên bản 1.0 mới được ban hành, căn cứ từ yêu cầu kết nối giữa các cấp quản lý hành chính nhà nước (Trung ương, tỉnh, quận/huyện và phường/xã - PV), thực tế phát triển CPĐT của Việt Nam và cơ sở phương pháp luận về Khung Kiến trúc CPĐT. Bộ TT&TT đã đưa Sơ đồ tổng thể Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam với các thành phần chính gồm: Người sử dụng; Kênh giao tiếp; Cổng thông tin điện tử Chính phủ; Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương; Kiến trúc CPĐT của Bộ/ tỉnh; Các hệ thống thông tin/ cơ sở dữ liệu quốc gia; Các hệ thống thông tin ngoài cơ quan nhà nước; Hạ tầng kỹ thuật; Quản lý, chỉ đạo; An toàn thông tin. Sơ đồ này cũng thể hiện tổng thể sự kết nối của các hệ thống thông tin các cấp.

Cùng với đó, trong Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam phiên bản 1.0, Bộ TT&TT cũng đã thể hiện Khung Kiến trúc CPĐT cấp Bộ, tỉnh; một số gợi ý về lộ trình triển khai các thành phần trong Kiến trúc; và mô hình kết nối của Kiến trúc CPĐT quốc gia.

Đặc biệt, Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam phiên bản 1.0 cũng nêu rõ trách nhiệm của Bộ TT&TT và các cơ quan chuyên trách CNTT các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc xây dựng, triển khai Kiến trúc CPĐT. Trong đó, căn cứ vào Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam phiên bản 1.0, các đơn vị chuyên trách về CNTT của cơ quan nhà nước có trách nhiệm chủ trifd xây dựng Kiến trúc CPĐT chi tiết của Bộ, tỉnh mình, trình Bộ trưởng/ Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt sau khi có ý kiến đồng thuận của Bộ TT&TT.

Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam được xây dựng dựa trên sự kết hợp các phương pháp luận xây dựng Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử của quốc tế (đặc biệt dựa trên Kiến trúc Chính phủ điện tử của Đài Loan, một số mô hình CPĐT địa phương đang triển khai tại Việt Nam như Đà Nẵng), bảo đảm phù hợp với các đặc thù của Việt Nam. Khung kiến trúc CPĐT Việt Nam sẽ được Bộ TT&TT ban hành theo nhiều phiên bản khác nhau theo từng giai đoạn để phù hợp với thực tế phát triển.

M.T
Nguồn ICTNews